NƯỚU RĂNG KHỎE MẠNH
Nướu khoẻ mạnh ở người bình thường có màu hồng nhạt, lấm tấm da cam và săn chắc. Khi đánh răng hay trong khi ăn nướu khoẻ mạnh sẽ không dễ bị chảy máu.
Nướu răng khỏe mạnh
VIÊM NƯỚU
Bệnh viêm nướu răng (viêm lợi) là tình trạng nướu răng xuất hiện những dấu hiệu sưng đỏ, có mảng bám, dễ chảy máu. Bệnh viêm nướu không nguy hiểm, có thể chữa trị hết triệt để an toàn ngay ở giai đoạn đầu tiên của bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm nướu
Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm nướu là vệ sinh răng miệng kém, hệ miễn dịch suy yếu khuyến khích các mảng bám hình thành. Mảng bám răng là một phim dính vô hình bao gồm chủ yếu của vi khuẩn.
Mảng bám hình thành trên răng khi tinh bột và đường trong thức ăn tương tác với vi khuẩn thường thấy trong miệng. Đánh răng và dùng chỉ nha khoa răng mỗi ngày sẽ giúp người bệnh loại bỏ mảng bám. Mảng bám răng cần loại bỏ hàng ngày bởi vì nó lại hình thành nhanh chóng, thường trong vòng 24 giờ.
Mảng bám răng nếu không được loại bỏ mà tồn tại trên răng dài hơn hai hoặc ba ngày sẽ tạo thành vôi răng (cao răng).
Các mảng bám và vôi răng tạo điều kiện thuận lợi và kích thích vi khuẩn phát triển gây viêm nướu. Theo thời gian, nướu răng trở nên sưng đỏ, phù nề và chảy máu một cách dễ dàng.
Vôi răng
Một số nguyên nhân gây bệnh khác
- Tác hại của thuốc lá gây viêm nướu
- Phụ nữ mang thai hay sau khi sinh bị thay đổi nội tiết tố trong cơ thể
- Một số bệnh như đái tháo đường, ung thư… khiến hệ miễn dịch bị suy yếu cũng là nguyên nhân gây bệnh
- Do tác dụng phụ của một số loại thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm… làm giảm tiết nước bọt (có vai trò làm sạch vi khuẩn), nên tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn.
Biểu hiện qua các dấu hiệu như dễ chảy máu ở nướu khi chải răng, khi thăm khám, một số trường hợp nặng đôi khi có chảy máu tự phát. Nướu sưng đỏ, phù nề mất lấm tấm da cam. Trừ một số trường hợp đặc biệt viêm nướu do bệnh toàn thân, đa số viêm nướu là do nguyên nhân tại chổ nên việc điều trị tương đối đơn giản bao gồm hướng dẫn vệ sinh răng miệng, loại bỏ các kích thích tại chổ như mảng bám răng, vôi răng, miệng trám dư, phục hình răng giả không đúng…
Nếu không điều trị tình trạng viêm nướu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng phá hủy mô và gây viêm nha chu. Có nhiều thể bệnh viêm nha chu khác nhau nhưng thường biểu hiện qua các dấu hiệu như mất bám dính, thành lập túi nha chu, sưng đau, chảy mủ , tiêu xương ổ răng, chấn thương thứ phát, răng lệch lạc, lung lay và cuối cùng là mất răng. Ở giai đoạn này việc điều trị trở nên khó khăn hơn do khả năng hồi phục của mô nha chu và xương nâng đỡ quanh răng kém. Điều trị bao gồm việc cạo vôi, xử lý mặt gốc răng, kháng sinh liệu pháp và cần thiết kết hợp điều trị phẩu thuật.
VIÊM NHA CHU
Bệnh nha chu là bệnh lý viêm nhiễm mãn tính ở mô nướu và mô nâng đỡ của răng. Biểu hiện thường thấy là nướu viêm đỏ, dễ chảy máu, chảy mủ, tiêu xương ổ răng, răng lung lay, và cuối cùng là mất răng. Có thể nói phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh nha chu gây nên.
Nguyên nhân gây bệnh nha nhu?
Nguyên nhân gây bệnh nha nhu chính là các vi khuẩn hiện diện trong mảng bám răng. Sự tích tụ số lượng các vi khuẩn trong mảng bám răng là yếu tố khởi phát bệnh nha chu. Tuy nhiên ngoài vai trò vi khuẩn thì tổng trạng của bệnh nhân cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Mảng bám vi khuẩn thường được phát hiện bằng các chất nhuộm màu. Có hai loại mảng bám: mảng bám trên nướu và mảng bám dưới nướu. Thành phần chính trong mảng bám là vi khuẩn. Nếu không được loại bỏ thì mảng bám sẽ bị khoáng hoá dẫn đến việc hình thành vôi răng (cao răng ). Và chính bề mặt thô nhám của vôi răng là nơi lý tưởng cho sự tích tụ vi khuẩn và khả năng gây bệnh nha chu ngày càng cao hơn. Chính vì vậy mà trong điều trị bệnh nha chu ngoài các kỹ thuật điều trị chuyên biệt thì vấn đề vệ sinh răng miệng được xem như là vấn đề quan trọng hàng đầu.
Viêm nha chu
Điều trị :
Bước 1: Bác sĩ khám và tư vấn trực tiếp để phát hiện mức độ trầm trọng của bệnh
Bước 2: Chụp phim X-quang răng (nếu cần )
Bước 3: Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng các phương pháp thích hợp với từng giai đoạn và mức độ của bệnh
Mức độ nhẹ và vừa
Quan trọng nhất là làm sạch răng miệng vùng nướu và quanh răng. Bác sĩ tiến hành cạo vôi răng và hướng dẫn bệnh nhân quy trình tự chăm sóc, làm sạch tại nhà.
Cạo vôi răng
Đánh bóng răng
Mức độ nặng
Khi bệnh nha chu của bạn đã diễn tiến ở mức độ nặng hơn thì việc phẫu thuật sẽ được chỉ định để điều trị một cách triệt để. Mục đích của việc phẫu thuật là phục hồi cấu trúc giải phẫu của mô nha chu và tạo thuận lợi cho việc vệ sinh răng miệng. Có 4 loại hình phẫu thuật nha chu thường xuyên được tiến hành nhất là: phẫu thuật loại bỏ túi nha chu, phẫu thuật tái tạo mô, phẫu thuật làm dài thân răng và phẫu thuật cấy ghép mô mềm.
Mức độ trầm trọng
Khi răng đã bị viêm nướu gây tiêu xương dẫn đến lung lay và mất răng thì nhổ răng là điều phải làm để tránh ảnh hưởng tới những răng kế cận.
Bước 4: Tái khám mỗi 6 tháng và theo dõi tình trạng bệnh nha chu.
Những lưu ý khi chăm sóc răng miệng tại nhà:
+ Vệ sinh răng miệng sạch sẽ là bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc điều trị bệnh nha chu.
+ Chải răng đúng phương pháp, không quá thô bạo, chải răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
+ Dùng chỉ nha khoa để làm sạch thức ăn giắt ở các kẽ răng
+ Tránh hút thuốc lá
+ Tái khám định kỳ 6 tháng/lần
Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về những thông tin cơ bản liên quan đến bệnh viêm nướu và viêm nha chu, nếu có bất cứ thắc mắc nào hoặc có nhu cầu điều trị, các bạn hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ một cách tốt nhất nhé!